Đào tạo theo mô hình “kép” của Đức
Từ năm 2014, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 áp dụng mô hình đào tạo “kép” của Cộng hòa Liên Bang Đức. Theo đó, nhà trường được đầu tư trang thiết bị, chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên đảm bảo theo tiêu chuẩn Đức. Phía Đức sẽ cử các giáo viên, chuyên gia có kinh nghiệm đến Trường Lilama 2 để giảng dạy.
Nội dung chương trình đào tạo gồm 30% lý thuyết, 70% thực hành. Song song với việc học lý thuyết trên lớp, sinh viên được đi thực tập tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, được thực hành ngay trên máy móc của nhà trường với sự hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài, chuyên gia trong nước và đại diện các doanh nghiệp. Giữa nhà trường và doanh nghiệp, các chuyên gia Đức có sự phối hợp chặt chẽ từ việc xây dựng chương trình đào tạo đến triển khai đào tạo, đánh giá chất lượng sinh viên.
Với cách làm này, nhiều sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã được doanh nghiệp tuyển dụng vì đáp ứng được yêu cầu về trình độ tay nghề, kỹ năng, tác phong trong công việc. Những doanh nghiệp có sự liên kết mật thiết với Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 như: Công ty TNHH Bosch Việt Nam, Công ty TNHH Ishisei Việt Nam…
Thạc sĩ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 cho biết, nhà trường hiện đang triển khai đào tạo 4 nghề theo bộ tiêu chuẩn nghề của Đức gồm: cắt gọt kim loại, điện tử công nghiệp, cơ điện tử và cơ khí xây dựng. Bên cạnh đó, còn có 3 nghề được đào tạo theo tiêu chuẩn nghề của Pháp gồm: hàn, lắp đặt viễn thông và truyền dẫn quang.
Từ tháng 9 đến tháng 11-2019, Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 đã phối hợp với các doanh nghiệp đối tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cho 80 sinh viên – là những sinh viên khóa đầu tiên tham gia chương trình đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế.
80 sinh viên này theo học ở 4 nghề: cắt gọt kim loại – CNC, cơ khí xây dựng, cơ điện tử và điện tử công nghiệp. Kết thúc kỳ thi, có 77 sinh viên được đánh giá đạt ở nhiều mức độ khác nhau (xuất sắc, giỏi, khá, trung bình). Với kết quả đó, các sinh viên được cấp 2 bằng nghề: 1 bằng theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, 1 bằng nghề theo tiêu chuẩn Đức.
Ông Thomas Malchereck, Giám đốc điều hành HWK Erfurt (Cộng hòa Liên bang Đức) cho biết, với việc tổ chức thành công mô hình đào tạo “kép”, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã có đủ điều kiện trở thành một trung tâm tư vấn đào tạo phối hợp và đào tạo nâng cao cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam. Các sinh viên đã chứng tỏ được năng lực chuyên môn của mình đối với tiêu chuẩn nghề đã đề ra, đồng thời cũng qua kỳ thi này, các giám khảo của Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 và các doanh nghiệp đối tác cũng được HWK Erfurt đánh giá đạt theo tiêu chuẩn giám khảo Đức. Như vậy, kể từ năm học 2019-2020, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 sẽ tự tổ chức kỳ thi tốt nghiệp và cấp bằng nghề theo tiêu chuẩn Đức cho những sinh viên đạt chuẩn.
Đào tạo nhân lực đón đầu xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Tháng 8 -2018, Công ty TNHH Bosch Việt Nam (huyện Long Thành) phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 ký kết hợp tác về việc lồng ghép các yêu cầu của công nghiệp 4.0 vào giáo dục nghề nghiệp. Chương trình hợp tác kéo dài 3 năm với tổng mức đầu tư 400 ngàn euro. Trong đó, Công ty TNHH Bosch Việt Nam đóng góp hơn 200 ngàn euro thông qua việc lắp đặt phòng thực hành cùng các thiết bị đạt chuẩn công nghiệp 4.0 tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2.
Đến nay, phòng thực hành này đã hoàn tất và bắt đầu đưa vào sử dụng. Từ đây, các chuyên gia tiến hành phân tích, thử nghiệm một số module đào tạo nghề và xây dựng giáo trình đào tạo, đào tạo giáo viên dạy nghề, giáo viên nòng cốt để đào tạo nghề. Trước mắt, phòng thực hành tập trung vào lĩnh vực cơ điện tử – một trong những ngành nghề sẽ phát triển mạnh trong thời đại số hóa, tự động hóa.