HỘI NGHỊ BÁO CÁO TỔNG KẾT DỰ ÁN “ĐỔI MỚI VÀ
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP” GIAI ĐOẠN 2016-2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG
GIAI ĐOẠN 2021-2022
Vào hồi 8h ngày
18/12/2020, tại Trường Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2, Bộ Lao Động và
Thương Binh Xã Hội đã chủ trì tổ chức Hội thảo báo cáo tổng kết tình hình triển
khai, kết quả thực hiện dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề
nghiệp” thuộc chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – việc làm và an toàn
lao động giai đoạn 2016-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2025,
sau 4 năm thực hiện quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/06/2017 nhằm tổng kết đánh
giá kết quả thực hiện dự án, Hội nghị sẽ ưu tiên cho đại diện các trường đưa ra
các vấn đề thảo luận.
Chương trình được truyền
trực tiếp trên trang Fanpage của trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 tại:
https://www.facebook.com/lilama2.vn
Tham dự và chỉ đạo hội nghị
có ông Lê Tấn Dũng – Thứ trưởng Bộ Lao Động và Thương Binh Xã hội và ông Trương
Anh Dũng – Tổng cục Trưởng Tổng cục Giáo Dục Nghề Nghiệp, ông Đào Việt Dũng – Vụ
trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Xây Dựng, ông Vũ Xuân Hùng – Vụ trưởng Vụ
Đào tạo chính quy, ngoài ra còn có sự hiện diện của các bộ ngành, các ban vụ,
văn phòng chính phủ, đại diện vụ Giáo Dục Tài Nguyên Môi Trường, Bộ Kế Hoạch Đầu
Tư, vụ Kế Hoạch Tài Chính, ban Quản Lý Dự Án Các Chương Trình Mục Tiêu, vụ Đào
Tạo Chính Quy, vụ Kỹ Năng Nghề, đại diện phóng viên của một số cơ quan thông tấn
báo chí … cùng các thầy cô là Hiệu Trưởng các trường Cao đẳng, Trung cấp và Đại
học Sư Phạm Kỹ Thuật được thụ hưởng dự án phê duyệt đào tạo các ngành trọng điểm
theo quyết định 169 /QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động và Thương binh
Xã hội.
Ông
Lê Tấn Dũng – Thứ Trưởng Bộ Lao Động và Thương Binh Xã hội
Phát biểu khai mạc Hội
nghị Ông Lê Tấn Dũng Thứ Trưởng Bộ Lao Động và Thương Binh Xã hội cho biết với
sự phối hợp của các bộ ngành và nỗ lực của các bên liên quan trong giai đoạn
2016-2020 về triển khai dự án đã đạt được nhiều thành công, chương trình này tốt
giúp cho các trường được mở rộng và đổi mới toàn diện; hội nghị tập trung đi thẳng
vào nội dung đánh giá sau 5 năm qua những cái gì dự án đã đạt được, những cái
còn tồn đọng và bất cập là gì, các đơn vị được thụ hưởng chính là các cơ sở
Giáo dục nghề đưa ra vấn đề thảo luận để định hướng cho giai đoạn tiếp theo. Chỉ
rõ nguyên nhân chưa được, đặc biệt là mong muốn các đại biểu đưa ra đánh giá
chính xác, đề xuất kiến nghị cụ thể sắp tới cần thực hiện những gì, bởi đây là
buổi hội nghị chuẩn bị cho một giai đoạn mới. Các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp phải
chủ động, tích cực bằng mọi điều kiện, nguồn lực để xây dựng thành một đơn vị vững
mạnh, xây dựng đội ngũ giảng viên có kỹ năng nghề để đáp ứng nhu cầu phát triển
đất nước.
Ông Trương Anh Dũng – Tổng
cục Trưởng Tổng cục Giáo Dục Nghề Nghiệp và Ông Nguyễn Khánh Cường – Hiệu Trưởng
trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2
Tổng kết, đánh giá tình
hình triển khai và kết quả thực hiện dự án
Tại hội nghị, Bà Khương
Thị Nhàn – Vụ trưởng vụ Kế Hoạch Tài Chính trình bày báo cáo tổng kết đánh giá
dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng Giáo Dục Nghề Nghiệp” giai đoạn
2016-2020, ngay sau khi dự án được phê duyệt Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
đã phối hợp với các bộ ngành và địa phương hỗ trợ đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ
các yếu tố căn bản của giáo dục nghề nghiệp về cơ chế chính sách, hoạt động đào
tạo dựa trên các chuẩn năng lực, chuẩn đẩu ra, các điều kiện đảm bảo chất lượng
đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động và hội nhập với
các quốc gia tiên tiến trong khu vực ASEAN và thế giới.
Bà
Khương Thị Nhàn - Vụ trưởng vụ Kế Hoạch Tài Chính
Với tổng kinh phí thực hiện
dự án là 12.197,2 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt
quá 12.845 tỷ đồng) được thiết kế bao gồm 8 hoạt động trong đó có 7 hoạt động
thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đã góp phần thực hiện mục tiêu hỗ trợ đào
tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp cho khoảng 1,35 triệu người (trong
đó có khoảng 5% đạt ở cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia), hỗ trợ đầu tư
cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường nghề. Đầu tư đồng bộ cho khoảng
100 nghề trọng điểm và tư vấn truyền thông hướng nghiệp về giáo dục nghề nghiệp
gắn với việc làm đáp ứng thị trường lao động.
Hoạt động “Lựa chọn, phê
duyệt ngành nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng 2025” theo đó lựa
chọn 144 ngành nghề trọng điểm quốc gia ở các cấp độ, trong đó có 68 ngành nghề
trọng điểm ở cấp độ quốc tế, 101 ngành nghề ở cấp độ khu vực ASEAN với 398 trường
công lập và 59 trường tư thục được quy hoạch ngành nghề trọng điểm.
Trong hoạt động “Chuẩn
hóa, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý Giáo dục nghề nghiệp”
tăng lên đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp. Công
tác đào tạo nghề có nhiều chuyển biến, số lượng tuyển sinh hàng năm tăng lên và
vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Sinh viên tốt nghiệp tại các ngành nghề trọng
điểm đáp ứng được nhu cầu của người tuyển dụng lao động.
Bên cạnh đó cũng còn một
số khó khăn hạn chế trong thực hiện dự án đó là kinh phí phải chia nhỏ cho các
trường, việc mua sắm thiết bị phục vụ cho quá trình đào tạo còn nhiều vướng mắc,
trong quy hoạch đào tạo nghề trọng điểm có một số trường khó không tuyển sinh
được một số ngành nghề dẫn đến thiết bị không được sử dụng hoặc tần suất sử dụng
ít, đặc biệt là các chương trình chuyển giao từ nước ngoài do chưa có nhiều
kinh nghiệm nên dẫn đến quá trình chuyển giao chậm tiến độ.
Định hướng giai đoạn
2021-2025 và mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021
Trong sự góp phần thành
công của hội nghị tổng kết dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng Giáo dục nghề
nghiệp” giai đoạn 2016-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2025 tại Hội nghị lần
này, Bà Khương Thị Nhàn – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính đã trình bày. Với
tình hình bối cảnh trong nước và quốc tế có những mặt thuận lợi và cũng đầy
thách thức đã chỉ rõ 5 yêu cầu đạt ra cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp đó là:
Tăng quy mô và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo; Phát triển giáo dục nghề
nghiệp mở và linh hoạt hơn nữa để bắt kịp xu thế của thế giới; Chuyển đổi mô
hình đào tạo truyền thống sang gắn kết doanh nghiệp, doanh nghiệp phải là nhà
trường thứ hai; Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, trong đó tự chủ tài
chính các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp công lập là xu thế tất yếu; Chuyển đổi số,
Ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn nữa trong quản lý, điều hành và tổ chức
đào tạo.
Bà
Khương Thị Nhàn trình bày Định hướng giai đoạn 2021-2025
Từ đó đã đề ra Định hướng
đầu tư trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025 là tập trung đầu
tư phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiệu quả trong kế hoạch đầu tư công
với chương trình cụ thể. Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã
hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020-2030, Bộ Lao động
– Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Ủy ban Dân tộc xây dựng báo cáo
nghiên cứu khả thi Tiểu dự án 3 phát triển giáo dục nghề nghiệp với đào tạo nghề
phù hợp với nhu cầu của người dân tộc thiểu số, đào tạo nghề cho hơn 3 triệu
người; giải quyết việc làm cho hơn 4 triệu hộ đồng bào dân tộc thiểu số và dân
tộc Kinh nghèo ở nơi đặc biệt khó khăn.
Thực hiện chương trình mục
tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 với các
Tiểu dự án “Đổi mới và phát triển hệ thống GDNN chất lượng cao” về quy
mô, chất lượng và hiệu quả GDNN nhất là đào tạo theo hướng ứng dụng, thực hành
tiếp cận với các nước phát triển trong ASEAN -4 và G20, chất lượng lao động đủ
sức cạnh tranh trong nền công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Chương trình mục
tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với dự án “Đào tạo nghề
và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn” góp phần chuyển dịch cơ cấu lao
động, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân vùng
nông thôn.
Chương trình đầu tư công
“Đầu tư đồng bộ cơ sở, vật chất thiết bị và điều kiện đảm bảo chất lượng cho
các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao tiếp cận trình độ các nước
ASEAN-4 và G20” với mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ hiện đại hóa để hình thành
hệ thống 70 trường Cao đẳng chất lượng cao (trong đó 3 trường tiếp cận trình độ
các nước trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4) đạt tiêu
chuẩn quốc tế, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện GDNN ở Việt Nam, dự kiến tổng
kinh phí là 26.380 tỷ đồng. Trong đó tập trung hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và
trang thiết bị cho 90 trường Cao đẳng có năng lực đào tạo tốt cho khoảng 3000 học
sinh; đặc biệt là hỗ trợ đầu tư các khu thực hành thực tập sản xuất phù hợp với
đào tạo ngành nghề của trường, hình thành các trung tâm đào tạo xuất sắc, đổi mới
sáng tạo và chuyển giao công nghệ.
Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm
vụ trọng tâm năm 2021 cần triển khai một số nội dung đề nghị các bộ, ngành rà
soát, cắt giảm, tạm dừng các ngành nghề trọng điểm tại các cơ sở GDNN chưa thực
sự cần, hay những cơ sở có lượng tuyển sinh gần đây đạt chỉ tiêu thấp, tập
trung kinh phí hoàn thành các hoạt động, nội dung đang thực hiện dở dang, các dự
án đầu tư có hiệu quả và kết quả tuyển sinh tốt, tập trung vào các lĩnh vực đào
tạo xanh, phù hợp với cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Lãnh
đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chủ trì phiên thảo luận
Trong thời gian trao đổi
thảo luận, đã được các đại biểu tham dự hội nghị đề xuất, kiến nghị các nội
dung liên quan về dự án, các vấn đề còn vướng mắc trong quá trình triển khai một
cách công tâm cụ thể xoay quanh vấn đề sử dụng trang thiết bị đầu tư công, xây
dựng trường học thông minh, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư có trọng điểm, liên
quan đến tầm vĩ mô trong điều hành sẽ được Bộ và Tổng cục, và các ban vụ tiếp
thu triển khai trong thời gian tới.
Dưới đây là một số hình ảnh
trong cuộc trao đổi thảo luận của các đại biểu tham gia hội nghị:
Ông
Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
Phát biểu kết luận Hội
nghị, Ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ghi
nhận những ý kiến đóng góp tại Hội nghị về triển khai dự án. Tổng Cục trưởng đã
lưu ý một số nội dung về triển khai dự án và đề nghị các cơ sở giáo dục nghề
nghiệp đã được đầu tư cần tích cực triển khai đồng bộ, và sử dụng có hiệu quả không
được để lãng phí. Chương tình đã có những hiệu quả nhưng cũng cần chỉ rõ hạn chế
nhất định, nhiều mục tiêu chưa thực hiện được, tiến độ triển khai và thông tư
hướng dẫn chậm, nguồn lực phải phân chia nhỏ, các cơ chế vận hành của các địa
phương vẫn gây ra khó khăn cho các cơ sở tiếp cận, bên cạnh đó chưa khảo sát đầy
đủ nhu cầu của các ngành nghề ở các khu vực chưa gắn với doanh nghiệp và thị
trường lao động dẫn đến thiết bị đầu tư sử dụng không hiệu quả gây lãng phí.
Các cơ sở giáo dục cần đưa ra các yêu cầu đề xuất các giải pháp điều chỉnh, định
hướng trong giai đoạn mới của dự án, nhằm bảo đảm đạt mục tiêu của dự án. Để đổi
mới hệ thống GDNN việc tăng cường và tiếp tục đầu tư cho các cơ sở dạy nghề rất
quan trọng, Bộ Lao động và Thương binh Xã hội thừa ủy quyền của Thủ Tướng đã đề
xuất với Chính Phủ và Quốc Hội đưa nội dung Phát triển Hệ thống GDNN, đầu tư
GDNN vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn mới. Và bên cạnh đó
đang tiếp tục đề xuất Chương trình đầu tư công tập trung cho các trường trọng
tâm, trọng điểm chất lượng cao đi đầu trong giai đoạn mới.