Ngày
07 tháng 04 năm 2021, tại trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 đã diễn ra
hội thảo “Chuyển giao Chương trình đào tạo nghề cơ điện tử tiêu chuẩn đức” do tổ chức GIZ (Đức) phối hợp cùng
Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 tổ chức.
Tham dự chương trình hội thảo có bà Phạm Việt Hà
và ông Bạch Hưng Trường – đồng trưởng hợp phần “Hỗ trợ các cơ sở Giáo dục nghề
nghiệp (GDNN) chất lượng cao”, chương trình hợp tác Việt - Đức “Đổi mới đào tạo
nghề Việt Nam”; ông Frank Schulze – Chuyên gia tích hợp, Chương trình hợp tác
Việt – Đức “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”; Về phía trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2
tham dự có thầy Nguyễn Khánh Cường – Hiệu trưởng nhà trường; Thầy Lê Quang
Trung - phó hiệu trưởng nhà trường, Thầy Đỗ Lê Hoàng - trưởng phòng đào tạo, thầy
Hồ Dự Luật – Trưởng khoa Cơ điện tử - Viễn thông – Tin học; Về phía trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, Thầy
Lê Văn Luận - phó hiệu trưởng nhà trường, Thầy Nguyễn Hữu Chúc - trưởng khoa cơ
khí, Thầy Đào Anh Quang - trưởng khoa hóa – môi trường, Về phía trường Cao đẳng
nghề Ninh Thuận, Thầy Nguyễn Phan Anh Quốc - hiệu trưởng nhà trường, Thầy Trần
Trung Dũng - phó hiệu trưởng nhà trường, Thầy Nguyễn Xuân - trưởng khoa Cơ khí cùng
các cán bộ chương trình TVET GIZ.
Thầy Nguyễn
Khánh Cường – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 phát biểu
khai mạc hội thảo
Chương trình hợp tác Việt – Đức về “Đổi mới Đào tạo
nghề tại Việt Nam”, thời gian vừa qua, Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA
2 đã cùng phối hợp với các doanh nghiệp và hiệp hội nghề đối tác trong việc
xây dựng 04 chương trình đào tạo phối hợp trình độ cao đẳng định hướng
tiêu chuẩn Đức cho các nghề Cơ điện tử, Điện tử Công nghiệp, Cắt gọt Kim loại
và Cơ khí Xây dựng. Các chương trình đào tạo của 4 nghề trên đã được Phòng thủ
công nghiệp Erfurt (Đức) thẩm định, công nhận tương đương tiêu chuẩn Đức. Ngoài
ra, các chương trình đào tạo này hiện đã và đang được triển khai thành công tại
trường LILAMA 2 và các doanh nghiệp đối tác, nơi mà học viên có cơ hội cải thiện
kỹ năng thực hành và tác phong làm việc chuyên nghiệp tại các vị trí công việc
thực tế.
Đây là các Chương trình đào tạo được biên soạn
theo định hướng nhu cầu và có tính liên thông cao giữa các cấp trình độ đào tạo
khác nhau. Toàn bộ nội dung chuyên môn nghề được thiết kế ở dạng mô đun đào tạo
định hướng thực hành, từ cơ bản đến chuyên sâu, có tích hợp các yếu tố về: (i)
Số hóa và Công nghiệp 4.0, (ii) Giáo dục nghề nghiệp xanh và Bảo vệ môi trường,
(iii) Đảm bảo sức khỏe và an toàn lao động, (iv) Bình đẳng giới và hòa nhập.
Nhằm chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong quá
trình triển khai cũng như hỗ trợ nhân rộng các chương trình đào tạo phối hợp
này cho các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam, Chương trình hợp tác Việt
– Đức “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam” phối hợp cùng Trường LILAMA2 tổ chức Hội
thảo “Chuyển giao Chương trình Đào tạo Cơ điện tử tiêu chuẩn Đức” ngày hôm nay
với hai mục tiêu chính:
• Thứ nhất, Chuyển giao Chương trình đào tạo Cơ điện tử theo tiêu
chuẩn Đức được thực hiện thành công tại nhà trường và các doanh nghiệp đối tác
của LILAMA 2 cho trường Cao đẳng nghề Long An, An Giang, Ninh Thuận và cao đẳng
công nghiệp Huế.
• Thứ hai, xây dựng kế hoạch, lộ trình chuẩn bị thực hiện đào tạo phối
hợp tại các trường Long An, An Giang, Ninh Thuận, và Huế.
Hội thảo đã chia sẻ bài học kinh nghiệm trong quá
trình triển khai các chương trình đào tạo phối hợp giữa nhà trường – doanh nghiệp,
lợi ích của của chương trình đối với các bạn sinh viên, cơ sở giáo dục nghề
nghiệp cũng như đối với doanh nghiệp. Thầy Hồ Dự Luật - Trưởng khoa Cơ điện tử
- Viễn thông trường Cao đẳng LILAMA 2 đã giới thiệu mô hình Đào tạo phối hợp
CVT tại Lilama 2 và cách thức thực hiện tốt mô hình CVT tại Khoa Cơ điện tử.
Tại hội thảo, đã được các tất cả các đại biểu
tham dự tham gia vào nhóm thảo luận, cho ý kiến phản hồi đánh giá hiện trạng và
kế hoạch thực hiện trong thời gian tới về các tiêu chí:
Tiêu chí 1. Quy trình giới thiệu, quảng bá và tuyển
sinh.
Tiêu chí 2. Hạ tầng kỹ thuật hiện hữu theo mô
hình xưởng 3 cấp độ.
Tiêu chí 3. Năng lực kỹ thuật và sư phạm của giảng
viên.
Tiêu chí 4. Tích hợp cấu trúc Cơ điện tử trong hệ
hệ thống.
Hình ảnh đại diện các Thầy của đơn vị giáo dục nghề nghiệp tham dự
Mô hình phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp
trong hoạt động đào tạo nghề luôn được đánh giá cao bởi tính ưu việt vượt trội.
Đây là mô hình đào tạo đem đến lợi ích toàn diện cả 03 bên: người học, đơn vị
đào tạo và doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với người học, việc thực hành, học tập tại
doanh nghiệp với hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, đa dạng; với đội
ngũ kỹ sư lành nghề đã được trang bị kỹ năng sư phạm được đánh giá là phương
pháp đào tạo lý tưởng để các em phát triển, hoàn thiện kỹ năng nghề; tác phong
làm việc chuyên nghiệp. Chương trình đào tạo phối hợp sẽ rút ngắn khoảng cách
giữa kiến thức được đào tạo tại nhà trường và công việc thực tế khi tham gia thị
trường lao động, giúp sinh viên nhanh chóng hòa nhập, đáp ứng yêu cầu công việc
sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, trong quá trình tham gia đào tạo tại doanh nghiệp
còn giúp các em có thêm nguồn thu nhập hợp lý.
Sau một ngày làm việc nghiêm túc, tập trung; qua
những ý kiến đóng góp thiết thực của các chuyên gia và đại biểu tham dự, Hội thảo
đã đi đến thống nhất về những tiêu chí đưa ra. Tổng kết hội thảo chương trình đào
tạo đã được chuyển giao cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chụp ảnh lưu niệm.
Tất cả cơ sở GDNN tham gia đánh giá rất cao chương trình đào tạo được chuyển
giao và mong muốn áp dụng các chương trình đào tạo này tại cơ sở GDNN của họ.
Dưới đây là một số hình ảnh lưu niệm sau lễ chuyển
giao Chương trình đào tạo Cơ điện tử theo tiêu chuẩn Đức tại trường Lilama 2.
Các đại biểu tham
dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm