Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (xã Long Phước, huyện Long Thành) là trường cao đẳng nghề đầu tiên ở Việt Nam được đầu tư xây dựng trở thành trung tâm đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng là một trong những đơn vị giáo dục nghề nghiệp của tỉnh có chương trình liên kết đào tạo nhân lực phục vụ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ThS.Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng nhà trường về xu hướng mới trong tâm lý chọn học nghề của học sinh, sinh viên hiện nay và cơ hội trong tương lai đối với công tác đào tạo nghề.
Được biết, tính đến nay, ThS.Nguyễn Khánh Cường cũng là hiệu trưởng trẻ nhất của Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 khi mới 45 tuổi.
* Tâm lý chọn nghề có sự chuyển dịch
* Thưa ông, được biết qua các mùa tuyển sinh gần đây, xu hướng học sinh đăng ký học nghề ngày càng tăng. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Từ lâu, xu hướng chọn các trường đại học là nguyện vọng chung của đông đảo học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, nhất là đối với những em muốn phát huy nền tảng kiến thức, tư duy theo hướng nghiên cứu chuyên sâu.
Bên cạnh xu hướng này, trong những năm gần đây, nhiều học sinh bắt đầu có sự chuyển dịch về tâm lý lựa chọn nghề nghiệp, trong đó số lượng học sinh chọn học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp ngày càng tăng.
Nguyên nhân của xu hướng này có thể lý giải do tỷ lệ sinh viên, học viên học nghề ra trường có việc làm ngày càng cao kèm theo các cơ hội về thu nhập, cơ hội lao động ở nước ngoài… Ngoài ra, điều kiện về liên thông bằng cấp cũng dễ dàng hơn; thông tin tuyển sinh, hướng nghiệp ngày càng đa dạng, có nhiều lựa chọn.
Hơn thế nữa, vấn đề đào tạo nghề cũng được Chính phủ, các địa phương ngày càng được chú trọng, đầu tư phát triển. Ngày càng có nhiều nghề được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) chuyển giao từ nước ngoài, cũng như các chương trình được công nhận đào tạo theo các tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, tạo ra nhiều cơ hội về nghề nghiệp cho sinh viên các trường đào tạo nghề, góp phần thay đổi nhận thức, tâm lý chung của học sinh, phụ huynh và xã hội về vấn đề này.
* Vậy xu hướng này thể hiện như thế nào qua công tác tuyển sinh của Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2?
- Đối với Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2, trong khoảng 3 năm trở lại đây, mỗi năm lượng sinh viên đăng ký theo học tại trường tăng trung bình hơn 20%. Hiện trường chúng tôi có khoảng 3,5 ngàn sinh viên theo học hệ chính quy. Trong đó số lượng các em chủ động lựa chọn học nghề ngay từ đầu ngày càng cao. Điều này góp phần nâng cao chất lượng đầu vào, tạo tiền đề để thu hút thêm doanh nghiệp liên kết hợp tác với nhà trường.
Ngoài ra, các ngành, nghề mà sinh viên lựa chọn học cũng có sự chuyển biến. Trong đó, các nghề theo hướng công nghệ cao, nghề thiết kế, vận hành nhà máy, giám sát chất lượng, máy móc… đang là những nghề được chọn nhiều. Đơn cử như nghề cơ điện tử mới được nhà trường triển khai đào tạo trong 3 năm gần đây nhưng số lượng sinh viên đăng ký hiện nay đã tăng lên gần 10 lần so với năm đầu tiên tuyển sinh.
* Hoạt động đào tạo nghề nghiệp của nhà trường có điểm gì nổi bật, thưa ông?
- Song song với việc nâng cao chất lượng cho sinh viên, học viên, chúng tôi hướng tới đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn trong công nghiệp, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên địa bàn và một số địa phương lân cận. Trong đó, nhà trường ứng dụng mô hình đào tạo phối hợp, một mô hình điều chỉnh từ mô hình đào tạo “kép” của Đức. Mô hình này trả lời câu hỏi, chất lượng đào tạo của sinh viên đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Khi tham gia mô hình này, doanh nghiệp cùng với nhà trường xây dựng chương trình, triển khai đào tạo, đánh giá chất lượng đào tạo của sinh viên để sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được các yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.
* Sinh viên cần kỹ năng vừa chuyên vừa “mềm”
Được biết, từ năm 2016, Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 đã tiến hành đào tạo thí điểm theo bộ tiêu chuẩn nghề của Đức và Pháp ở một số khoa, bộ môn. Đến nay, mô hình đào tạo này phát triển như thế nào và hiệu quả ra sao?
- Hiện nay, chúng tôi đang triển khai đào tạo 4 nghề theo bộ tiêu chuẩn nghề của Đức gồm: cắt gọt kim loại, điện tử công nghiệp, cơ điện tử và cơ khí xây dựng. Bên cạnh đó, còn có 3 nghề được đào tạo theo tiêu chuẩn nghề của Pháp gồm: nghề hàn, lắp đặt viễn thông và truyền dẫn quang.
Mỗi năm nhà trường đào tạo cho khoảng 800-900 sinh viên ra trường, tỷ lệ sinh viên có việc làm gần như đạt 100%, nhất là đối với các sinh viên học các nghề theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp như: Công ty TNHH Bosch Việt Nam, Công ty TNHH Ishisei Việt Nam… đã chủ động liên kết, đến trường “tuyển dụng” sinh viên từ những năm học đầu tiên, sau đó cùng với nhà trường thống nhất chương trình đào tạo, hướng dẫn sinh viên… Trong quá trình học tập, sinh viên được thực hành trên dây chuyền công nghệ, tạo ra sản phẩm khi học tập tại doanh nghiệp. Những chương trình đã phát huy được hiệu quả của nó, sinh viên tốt nghiệp là đi vào dây chuyền sản xuất ngay. Sinh viên mang lại lợi ích cho doanh nghiệp ngay khi họ đang là sinh viên. Doanh nghiệp có được nguồn nhân lực trong chiến lược phát triển ngắn và dài hạn.
* Là người đã có gần 15 năm gắn bó với công tác đào tạo nghề nghiệp, theo ông, sinh viên trường nghề cần phát triển những kỹ năng gì để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, cũng như hướng tới trở thành “lao động toàn cầu”?
- Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới ngày càng phát triển như vũ bão, thì cụm từ “lao động toàn cầu” ngày càng trở nên phổ biến. Xu hướng “lao động toàn cầu” sẽ tạo ra cơ hội không nhỏ cho các sinh viên, người lao động có điều kiện phát triển nghề nghiệp, chuyển dịch lao động quốc tế. Do đó, công tác đào tạo nghề cũng dần chú trọng đến xu hướng này bằng việc triển khai nhiều mô hình đào tạo theo các tiêu chuẩn nghề trong khu vực và trên thế giới.
Để hướng tới đạt những tiêu chí của một “lao động toàn cầu”, sinh viên nói chung và các sinh viên ở trường đào tạo nghề nghiệp nói riêng cần kỹ năng vừa chuyên vừa “mềm”. Trước hết, cần chú trọng trau dồi các kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm, nhất là đối với những ngành về kỹ thuật cơ khí, hàn, điện tử, tự động... Đồng thời, không ngừng rèn luyện kỹ năng “mềm”, ngoại ngữ giao tiếp và ngoại ngữ chuyên ngành, các kiến thức, kỹ năng về tin học; nâng cao thái độ, tác phong với công việc, khả năng làm việc nhóm...
* Hội nhập là cơ hội lớn
* Để rút ngắn khoảng cách trong quá trình đào tạo với thực tế, nhà trường đã và đang có những giải pháp nào?
- Bên cạnh việc đầu tư, nâng cao chất lượng giáo trình đào tạo gắn với các tiêu chuẩn trong và ngoài nước. Hiện nay, chúng tôi cũng chú trọng xây dựng các module đào tạo kết hợp giữa chuyên ngành với phát triển kỹ năng mềm, các cuộc thi về khởi nghiệp, lập các dự án (project) sát với công việc thực tế khi ra trường để sinh viên được trải nghiệm, tìm hiểu, lên kế hoạch và có các phương án giải quyết phù hợp. Nhà trường phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để xây dựng môi trường thực tập, làm việc cho sinh viên.
Chúng tôi cũng kết nối, gửi giảng viên đến các doanh nghiệp nắm bắt quy trình, nhu cầu của họ để có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình đào tạo, cơ bản tạo ra được mẫu số chung giữa yêu cầu của doanh nghiệp và kỹ năng mà sinh viên đáp ứng.
* Ông đánh giá nhu cầu về nhân lực trong các lĩnh vực đào tạo nghề ở Đồng Nai hiện nay ra sao?
- Đồng Nai có nhiều lợi thế vị trí chiến lược, nhu cầu về phát triển công nghiệp, dịch vụ. Do đó, nhu cầu tuyển dụng các lao động, nhất là lao động lành nghề trong các ngành kỹ thuật của doanh nghiệp rất lớn, nhất là trong bối cảnh kinh tế ngày càng hội nhập, nhiều dự án lớn sắp được triển khai trên địa bàn tỉnh. Điều này vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các trường đào tạo nghề nói chung và Trường cao đẳng công nghệ Lilama 2 nói riêng.
* Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến sẽ khởi công giai đoạn 1 vào cuối năm 2020. Được biết, Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 cũng là một trong số các trường có liên kết đào tạo nhân lực phục vụ dự án này. Hiện công tác chuẩn bị, cũng như định hướng của nhà trường ra sao?
- Với nguồn lực của nhà trường hiện có, chúng tôi có thể đào tạo một số ngành nghề liên quan đến kỹ thuật vận hành, bảo trì dây chuyền phục vụ mặt đất, vận hành các trạm khí, trạm xăng dầu… của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nhà trường cũng đã có kế hoạch kết hợp với các viện, trường nghiên cứu về khoa học hàng không trong và ngoài nước để đáp ứng việc đào tạo lao động phục vụ sân bay phù hợp với các tiêu chuẩn hàng không.
Chúng tôi cũng đã ký kết hợp tác West College Scotland để đào tạo các ngành dịch vụ kỹ thuật hàng không, sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho việc xây dựng, lắp đặt, vận hành Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Dự kiến bắt đầu từ năm học 2020-2021, nhà trường sẽ triển khai tuyển sinh khóa đầu tiên về đào tạo nhân lực phục vụ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đồng thời, chúng tôi sẽ theo dõi sát lộ trình triển khai xây dựng sân bay, phấn đấu đào tạo hơn 3,5 ngàn lao động khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào hoạt động giai đoạn 1.
Xin cảm ơn ông!
Hải Quân (thực hiện)